Kinh tế

HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC, BÓN ĐÓN ĐÒNG CHO LÚA VỤ XUÂN NĂM 2025
Ngày đăng 17/04/2025 | 02:55  | Lượt truy cập: 29

Hiện nay, trà lúa xuân chính vụ đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh – đứng cái làm đòng, trà lúa xuân muộn đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ. Nhằm giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, số bông hữu hiệu nhiều và đạt năng suất cao. UBND xã Phú Minh, hướng dẫn chăm sóc, bón đón đòng cho cây lúa vụ xuân cụ thể như sau:

  1. Cách nhận biết thời điểm bón đón đòng:

 Quan sát thấy hình thái cây lúa có sự biến đổi rõ rệt như tròn khóm, thân cứng, các lá đứng, bóc dảnh cái thấy ở đốt trên cùng có hình thành khối tế bào trong suốt dài 1 - 2 mm. Hoặc có thể quan sát dảnh cái thấy lá trên cùng khoảng cách từ đầu lá xuống 5-7cm có thắt eo (thắt eo đầu lá lúa) thì lúc này đa số các dảnh bắt đầu hình thành tượng khối sơ khởi, nhú đòng 1-2mm. Bón vào thời điểm này sẽ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng ngay từ ban đầu cho cả dảnh cái và các dảnh con trong quá trình phân hóa đòng và nuôi đòng.

  1. Tác dụng của việc bón đòng đúng thời điểm:

Giai đoạn lúa đứng cái rất quan trọng, vì giai đoạn này có thời gian rất ngắn để bước vào phân hoá đòng, hình thành các gié, các hoa tạo nên các hạt lúa và bông lúa, quyết định năng suất lúa. Do đó phải bón đón đòng đúng thời điểm, để cung cấp kịp thời dinh dưỡng cho quá trình phân hoá đòng, giúp cho việc phân chia gié và hoa lúa được nhiều nhất.

Tuy nhiên, trong thực tế bà con nông dân thường bón muộn khi đòng to (bóc dảnh cái thấy đòng đã dài), lúc này số gié và số hoa đã phân chia xong nên bón phân chỉ có tác dụng nuôi đòng. Việc bón muộn như vậy làm cho bông lúa nhỏ, ngắn và không nhiều hạt. Vì vậy, bón phân đón đòng cho lúa sao cho đúng thời điểm, cho đủ lượng là rất cần thiết để quyết định năng suất cho cây lúa.

  1. Lượng phân bón đón đòng:

Đối với những diện tích lúa giai đoạn đứng cái – phân hóa đòng tiến hành bón thúc đợt 2. Nên bón NPK chuyên dùng, phù hợp từng chân ruộng để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây lúa bước vào giai đoạn phân hóa đòng sinh trưởng phát triển tốt.

Đối với phân đơn, thực hiện bón với lượng như sau:

+ Phân Đạm: 1 – 2kg/sào

+ Phân Kali: 4 - 6kg/sào

Lưu ý: Lượng phân bón tùy theo giống, chân đất và tình hình sinh trưởng của cây lúa ở thời điểm hiện tại  để xác định lượng phân bón cụ thể.

Trong quá trình bón thúc lần 2 kết hợp với làm cỏ sục bùn để phân bón được hòa tan nhanh vào đất giúp cây lúa dễ hấp thụ chất dinh dưỡng và sinh trưởng phát triển tốt.

Sử dụng kết hợp đạm với kali, có tác dụng kích thích quá trình vận chuyển chất dinh d­ưỡng về hạt, làm chắc hạt, sáng hạt, làm cứng cây, đanh dảnh, chống đổ cho cây, tăng năng suất và chất lượng gạo.

* Lưu ý:  Đối với ruộng lúa hẩu, lúa cấy, sạ dày bà con nên giảm lượng phân đạm, đồng thời cũng giảm lượng phân kali vì phân kali có tác dụng hỗ trợ hấp thu đạm.

4. Nước tưới:

Giai đoạn làm đòng, trỗ bông là thời kỳ khủng hoảng nước của cây lúa. Cây lúa rất cần nước ở giai đoạn này để giúp cho quá trình phân hóa đòng, nuôi đòng, trỗ bông được thuận lợi. Nếu để thiếu nước cây lúa sẽ bị vàng lá bộ rễ kém phát triển không hút được dinh dưỡng nuôi cây, bông lúa ít hạt và bị lép nhiều. Vì vậy trong quá trình cây lúa làm đòng, trỗ bông không được để thiếu nước, luôn duy trì mực nước trong ruộng từ 2-3cm. Khi lúa vào chín đỏ đuôi bà con có thể tháo nước phơi ruộng  nhằm kích thích cho rễ lúa ăn sâu giúp chống đổ và bông lúa nhanh chín.

Trên đây là hướng dẫn chăm sóc, bón đón đòng cho lúa vụ xuân. UBND xã Phú Minh đề nghị các thôn tuyên truyền cho bà con nông dân biết để có biện pháp chăm sóc, bón đón đòng cho lúa vụ xuân năm 2025 đạt hiệu quả./.

Bản đồ hành chính